10 Tháng 6 2010 Được xem: 3849 lần
Người thương binh Trần Hồng Quảng trở về sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa luôn suy nghĩ: Phải làm gì đây giúp những đồng đội đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, để lại chiến trường một phần xương máu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc? Từ lời dạy Thương binh tàn nhưng không phế của Bác Hồ, và tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn đã tạo cho họ sức mạnh tiếp tục vững bước đi lên trong thời bình.
Chụp ảnh lưu niệm cùng tổng thống Jacques Chirac
Năm 1971, từ làng quê nghèo Vĩnh Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng xa con sông, xa cánh đồng hai mùa mưa nắng, xa mái nhà ấm êm; chàng trai trẻ 18 tuổi Trần Hồng Quảng lên đường nhập ngũ. Lúc ấy, chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn ác liệt. Anh được bổ sung vào Trung đoàn 2, sư đoàn 9, chiến đấu trong chiến dịch Nguyễn Huệ ở Bình Long (1972). Anh tiếp tục tham gia các trận đánh ở Kiến Phong, Kiến Tường... Những ngày cuối tháng 4/1975, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Trần Hồng Quảng cùng binh đoàn Cửu Long từ hướng tây nam Sài Gòn đánh vào những mục tiêu đã định tại trung tâm thành phố, bị thương nặng lúc 11giờ 10 phút, trước lúc quân ta tuyên bố giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 20 phút. Anh được đưa vào bệnh viện Cộng hoà (nay là viện quân y 175), và ra viện với mức thương tật 1/4. Chứng tích của cuộc chiến là một mảnh đạn pháo trong sọ não, trong phổi mà đến nay mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối.
Trở về quê hương, anh khắc khoải trước nỗi đau của đồng đội, họ không có nghề nghiệp, luôn bị vết thương cũ hành hạ. Anh cảm thấy mình mang nợ, mang nợ với những người đã nằm lại chiến trường, mang nợ với những thương binh bởi xương máu và cả tính mạng của các anh đã ngã xuống cho đất nước thống nhất, hoà bình. Hơn ai hết các anh hiểu giá trị của cuộc sống hôm nay, nhưng có độc lập tự do mà mọi người chưa được ấm no, hạnh phúc thì những người còn sống phải có trách nhiệm trả lời. Không nghĩ cho riêng mình, anh từ chức Phó giám đốc công ty rau quả Hải Phòng, rồi đi ra thành lập Xí nghiệp Thương binh Quang Minh Hải Phòng với 35 lao động đầu tiên đều là thương binh. Họ người mất cánh tay, người cụt chân, người mặt mũi chẳng nguyên lành vì bom na - pan. Anh giúp họ không còn phải xếp hàng, cạy cục để xin việc làm. Tổng số vốn Xí nghiệp do anh em góp và Bộ Lao động thương binh xã hội hỗ trợ là 285 triệu đồng. Các anh bắt đầu với công việc buôn bán vật liệu nhỏ do chưa có thị trường, anh em phải đi bán hàng cho các địa phương ở xa, sản xuất xi măng, họ không có tiền nên trả bằng Clinker; trong lúc kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn thì một phần là do sức khoẻ các anh thương bệnh binh không đảm bảo, lúc thay đổi thời tiết thường bị đau yếu. Chính Giám đốc Trần Hồng Quảng cũng bị vết thương hành hạ có lúc tưởng như không gượng dậy nổi, nhưng anh biết trách nhiệm trên vai mình rất nặng nề, nếu anh đau yếu thì rất nhiều đồng đội lại rơi vào cảnh đói kém, cơ cực. Anh kiên trì rèn luyện thể dục một cách, khoa học, luôn tạo một tinh thần vui tươi, quyết thắng để động viên anh em mặc dù có đêm anh đã bật khóc vì cảm giác buồn chán, đau đớn và bất lực. Tất cả các anh đã vượt qua, họ đoàn kết nhau cùng bàn bạc thống nhất ý kiến, và tìm ra giải pháp cho mình. Doanh nghiệp mở 1 phân xưởng nghiền xi măng ở Thanh Hoá với 25.000 tấn /năm; 1 phân xưởng nghiền ở Ninh Bình với công suất 20.000 tấn /năm thu hút hàng trăm lao động là thương binh và con em gia đình chính sách có việc làm và mức lương ổn định. Xí ngiệp đứng vững trên thị trường là do sản phẩm của các anh có uy tín, được khách hàng tin dùng. Sản xuất phát triển làm ăn có lãi, nhưng để có sự đột phá thì phải đầu tư lớn. Năm 2004, Anh Trần Hồng Quảng đã lập dự án trình Chính phủ và Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho xây dựng nhà máy xi măng tại Thuỷ Nguyên với công suất 400.000 tấn /năm. Tổng giá trị nhà máy 28 triệu USD, máy móc, công nghệ được nhập từ Italia. Năm 2007 đã cơ bản giải phóng mặt bằng, đến năm 2008 sẽ lắp đặt thiết bị để đến năm 2009 thị trường có thêm sản phẩm see men mang tên Trường Sơn nơi những người lính vượt Trường Sơn vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Không dừng lại ở đó, như có duyên nợ con tôm, thức ăn nuôi tôm... đã là mặt hàng kinh doanh của xí nghiệp và đạt được những thành công ngoài dự kiến. Trong một lần đi công tác Quảng Ninh, qua huyện Hoành Bồ thấy người ta rao bán đầm nuôi tôm vì tôm của họ chết hàng loạt do bị ô nhiễm môi trường. Anh em Xí nghiệp bàn bạc rồi quyết định đầu tư nuôi tôm trên diện tích 60 ha. Các anh đã làm một con mương dẫn nước từ mỏm đá chảy ra đầm tôm. Nhưng công việc không đơn giản như vậy, khi đầu tư nuôi tôm, tôm lại chết hàng loạt, tiền vốn đổ xuống sông xuống bể. Lại thử thách mới, phải tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm, các anh mới nuôi tôm thành công. Các anh còn nghiên cứu ra cách chế biến thức ăn cho tôm, tạo thêm việc làm cho người lao động. 60 ha tôm của Xí nghiệp giờ đã có lãi ổn định vài trăm triệu / năm. Thương binh Trần Hồng Quảng đã được chọn là đại biểu duy nhất cả nước được cử đi dự Hội nghị Nông dân trẻ thế giới do tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc tổ chức tại Paris, Pháp và vinh dự là đại biểu duy nhất của Hội nghị được tổng thống Jacques Chirac gặp gỡ, động viên, chụp ảnh lưu niệm.
Qua nhiều năm hoạt động, xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Cá nhân anh Trần Hồng Quảng được tặng Huân chương lao động hạng ba và Danh Hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
ThanhPV.HN - Tổng hợp